Kỹ thuật nhân giống lan Hài Đỏ
Cây hoa lan hài đỏ là loài thực vật đặc hữu của Việt Nam, được CITES công nhận và bảo vệ. Phân viện Sinh học tại Đà Lạt đã tiến hành nghiên cứu và ứng dụng kỹ thuật gây vết thương để nhân giống lan hài đỏ này.
Dưới đây là vật liệu, kỹ thuật nhân giống lan hài đỏ và kết quả thực hiện. Cùng tham khảo nhé!
Kỹ thuật nhân giống lan Hài Đỏ
Nguồn mẫu
Lan hài đỏ được thu hái tại Khánh Hòa, nuôi trồng tại Phân viện Sinh học tại Đà Lạt. Cây ra hoa và đã được định danh một cách cụ thể.
Nguồn mẫu sử dụng trong các thí nghiệm là các cây lan hài con in vitro 6 tháng tuổi, thu được bằng cách gieo hạt trong ống nghiệm. Chọn lựa các cây con có độ cao đồng đều (1,2-1,5 cm) để làm thí nghiệm.
Bên cạnh đó, phân viện cũng đã thành công trong việc nhân giống vô tính lan hài đỏ bằng cách nuôi cấy chồi ngủ của phát hoa trên môi trường MS bổ sung NAA, BA; than hoạt tính; nước dừa; glucose … và sau 3 tháng đã thu được cây con in vitro.
Môi trường nuôi cấy được sử dụng
Môi trường gieo hạt: Sử dụng môi trường Knudson C.
Nuôi cấy trên môi trường lỏng: Sử dụng môi trường dinh dưỡng khoáng MS không bổ sung agar, có đặt cầu giấy lọc. Cầu giấy lọc có vai trò như là giá thể và giúp hấp thu phenol tiết ra trong quá trình thí nghiệm.
Nuôi cấy trên môi trường đặc: Sử dụng môi trường dinh dưỡng khoáng MS hoặc 1/2MS có bổ sung agar.
Phương pháp gây vết thương
Phương pháp gây vết thương được thực hiện nhằm mục đích kích thích sự hình thành chồi của những cây lan hài đỏ được gieo hạt in vitro cũng như từ phát hoa. Dụng cụ thực hiện gây vết thương là mũi kim nhọn (Æ=0,3mm).
Cây lan hài in vitro được xử lý cắt bỏ rễ cẩn thận, tránh cắt phạm vào phần đế gần rễ. Dùng dụng cụ gây vết thương đã xử lý tiệt trùng châm vào xung quanh phần đế gần rễ 3-4 lần, sau đó đặt vào môi trường nuôi cấy đã chuẩn bị sẵn.
Hình 2. Các phương pháp nhân giống cây lan hài (gieo hạt, nuôi cấy phát hoa, kỹ thuật gây vết thương)
Kết quả thực hiện
(1) Khảo sát các kỹ thuật kích thích sự hình thành chồi của lan hài đỏ: Sau 3 tháng tiến hành các thí nghiệm, chúng tôi ghi nhận được các kết quả sau:
- Ở các mẫu được kích thích để hình thành chồi bằng phương pháp gây vết thương tỷ lệ mẫu sống sót từ 50-85%. Các mẫu không sử dụng phương pháp gây vết thương tỉ lệ mẫu sống rất cao, nhiều nghiệm thức mẫu phát triển tốt và có lá mới nhưng không hình thành chồi mới.
- Quan sát tình trạng chồi cho thấy ở môi trường lỏng có hiệu quả hơn so với môi trường rắn. Số chồi trong thí nghiệm nuôi cấy trên môi trường lỏng nhiều hơn và tình trạng chồi khỏe hơn.
- Phương pháp gây vết thương có hiệu quả rõ rệt trong việc kích thích tạo chồi. Tỷ lệ mẫu sống sót phụ thuộc vào mức độ gây tổn thương hoặc mẫu bị chìm ngập trong môi trường nuôi cấy lỏng. Sự phát triển của mô có thể bị thay đổi hoàn toàn nếu chúng được nuôi cấy trên môi trường đặc hoặc lỏng. Như vậy, sự lựa chọn môi trường rắn hay lỏng trong nuôi cấy là cần thiết.
(2) Khảo sát sự ảnh hưởng của các chất điều hòa tăng trưởng phối hợp đối với sự hình thành chồi. Số liệu được ghi nhận sau 3 tháng nuôi cấy như sau:
- Ở cùng nồng độ chất điều hòa tăng trưởng, nuôi cấy trên môi trường lỏng tỏ ra có hiệu quả cao hơn so với môi trường rắn về số lượng chồi và tình trạng phát triển của chồi.
- Sự kết hợp giữa TDZ và NAA có ảnh hưởng tốt nhất khi mẫu được nuôi cấy trên môi trường lỏng.
Hình 3. Sự hình thành chồi lan hài đỏ từ phương pháp gây vết thương
(3) Nghiên cứu khả năng nhân nhanh chồi thông qua sự tạo mô sẹo trực tiếp từ lá non và hạt mới nẩy mầm in vitro:
- Qua theo dõi tỷ lệ sống sót và tình trạng phát triển của mẫu trong thời gian 40 ngày, chúng tôi nhận thấy với mẫu cấy là các hạt mới nẩy mầm sẽ cho kết quả tốt, đặc biệt là nuôi cấy trong tối và trên môi trường 1/2MS.
- Như vậy, trạng thái sinh lý của nguồn mẫu, thành phần dinh dưỡng trong môi trường, điều kiện nuôi cấy chính là những đặc điểm có ý nghĩa quan trọng.
Tóm lại, phương pháp gây vết thương kết hợp với nuôi cấy trên môi trường lỏng bổ sung nồng độ thích hợp chất điều hòa tăng trưởng TDZ và NAA đã đem lại một kết quả khả quan trong việc tìm ra một phương pháp nhân giống in vitro trên đối tượng cây lan hài đỏ. Hệ số nhân của lan hài đỏ được thiết lập thông qua phương pháp gây vết thương và nuôi cấy trên môi trường lỏng là 52, có hiệu quả hơn gấp 25 lần so với phương pháp nhân giống lan bằng cách gieo hạt in vitro đơn thuần.
Xem thêm