Cách làm cỏ cho lan trong quá trình chăm sóc
Bên cạnh việc chọn giống, tưới nước, bón phân, phòng bệnh và cắt tỉa thì việc làm cỏ cho lan cũng được coi là quan trọng không kém trong quá trình trồng và chăm sóc lan. Bởi nếu để cỏ mọc nhiều và lây lan ra khắp chậu, chúng có thể chiếm diện tích và hút hết chất dinh dưỡng của lan, từ đó khiến cây còi cọc, kém phát triển, thậm chí là không thể ra hoa.
Chính vì vậy, cần có biện pháp diệt cỏ ngay từ khi chúng vừa xuất hiện trên chậu. Những biện pháp đó bao gồm:
- Nhổ cỏ ngay khi vừa xuất hiện trên mặt chậu bởi lúc này rễ chúng còn ngắn, không bám sâu và ăn lấn vào phần rễ của lan. Thao tác nhổ nhẹ nhàng để tránh ảnh hưởng đến rễ lan, nếu mạnh tay có thể làm cây bị long ra khỏi đất trồng hay bị gãy đứt, tạo điều kiện để vi khuẩn xâm nhập vào vết thương và gây bệnh cho cây.
- Kết hợp song song giữa làm cỏ với cắt tỉa cành khô, cành chết, những cành không còn khả năng sinh trưởng của lan. Cùng với đó, các củ lan bị thâm đen, úng nước, có mùi hôi cũng được loại bỏ bằng dụng cụ cắt tỉa sắc bén đã qua khử trùng để đảm bảo vết cắt không bị nhiễm bệnh.
Các bẹ lan già nếu không được xử lý sẽ khiến lan chậm sinh trưởng. Lúc này, dùng tay xé dọc bẹ ra làm hai rồi tưới nước cho cây để đảm các mầm non bên trong có điều kiện để sinh trưởng, phát triển tốt nhất.
- Với những loại cỏ bám sâu vào rễ lan hay mọc xen kẽ giữa các rễ thì có thể “xử lý” chúng bằng cách dùng kìm có mỏ dài để kẹp và xoắn cỏ, sau đó nhẹ nhàng kéo cả gốc lẫn rễ của cỏ lên để tránh hiện tượng rễ còn sót lại sẽ hút chất dinh dưỡng và độ ẩm của lan như thường.
- Trước khi làm cỏ cho lan, cần quan tâm đến hiện trạng sức khỏe của lan cũng như tình trạng chậu trồng. Nếu chậu quá khô, cây lan héo thì cần tưới nước để bổ sung lượng nước cần thiết cho lan rồi mới tiến hành làm cỏ. Ngược lại, chậu ướt sũng, dễ dẫn đến tình trạng ngập úng, thối rễ lan cũng không phải là lúc thích hợp để làm cỏ.
Trong trường hợp lan bị rệp, màng nhện giăng thì cũng cần có biện pháp xử lý trước khi làm cỏ bởi lúc này sức khỏe và sức đề kháng của lan rất yếu.
- Có thể kết hợp việc làm cỏ với việc thay chậu, thay đất trồng để loại bỏ hiện tượng ngập úng, thối rễ hay sâu bệnh ở lan. Đồng thời, có các biện pháp điều chỉnh cây mọc thẳng hơn, sửa lại cành hoa để cây cho hoa đẹp hơn, hiệu suất cao hơn.
- Việc làm cỏ cho lan có thể được tiến hành bất cứ lúc nào trong năm, tuy nhiên, đặc biệt lưu ý đến thời điểm sau khi bón phân bởi lúc này đất nhiều chất dinh dưỡng, là điều kiện lý tưởng để cỏ mọc nhiều và phát triển mạnh hơn bình thường.
Xem thêm