Cách trồng và chăm sóc hoa lan phượng vĩ bắc
Hoa lan phượng vĩ bắc Renanthera coccinea hay có tên khô mộc tía hay huyết nhung tía, bò cạp, lan phượng vĩ là một loài lan có mặt từ Hải Nam đến Đông Dương. Đây là loài đặc trưng của chi Khô mộc - Renanthera. Cây có mặt ở Đông Nam Á, Trung Quốc. Tại Việt Nam có ở khắp cả nước.
1. Nhận biết lan phượng vĩ bắc
Phong lan có thân dài đến 5m, mang nhiều rễ khí sinh. Lá có phiến tròn dài, dày, đầu có 2 thuỳ. Cụm hoa rất to, trong một mặt phẳng; hoa đỏ to 5cm, phiến hoa nhẵn, dài 3-4cm, lá đài bên to, môi có thuỳ giữa đỏ đậm, thuỳ bên vàng có sọc dọc, mỏng 5mm. Quả nang khá to.
Bộ phận dùng: Lá - Folium Renantherae.
Nơi sống và thu hái: Loài của Nam Trung quốc, Mianma, Thái lan, Lào, Campuchia, Philippin, Việt Nam. Ở nước ta, cây mọc bám trên cây gỗ lớn hay vách đá vôi ở miền núi, chân rừng nhiều ánh sáng, phổ biến ở nhiều nơi từ Hoà bình, Hà tây, Hải Hưng, Ninh bình qua Thừa thiên Huế đến Khánh hoà, Gia lai tới Nam bộ Việt Nam. Cây cũng được trồng làm cảnh. Người ta thu hái lá quanh năm, thường dùng tươi.
Công dụng: Ở nhiều địa phương, nhân dân biết sử dụng cây này làm thuốc chữa khản tiếng, viêm họng, ho. Chỉ cần ngậm giập một lá với ít muối, nuốt lấy nước rồi nhả bã đi; vài lần là khỏi. Cũng có thể phối hợp với lá Hẹ, lá Dâu tằm giã nát thêm đường, hấp cơm, lấy nước uống.
2. Đặc tính loài hoa Phượng vĩ bắc
Loài Phượng vĩ bắc là một loài lan ưa sáng mạnh, thích hợp nơi thoáng mát. Do cây không có căn hành nên khả năng tích nước và dinh dưỡng kém, nên cây nhiều nước, nhưng lại có khả năng chịu hạn, nóng cao. Nhu cầu về dinh dưỡng của cây lớn, cây lớn nhanh mạnh vào khoảng mùa xuân và mùa hè. Đặc tính ra hoa. Cây bắt đầu có nụ từ cuối xuân tháng 3-4, hoa nở vào tháng 5-7.
Chuẩn bị vật liệu, chất trồng:
Vật liệu thích hợp nhất được quyết định bởi các đặc tính của cây trong tự nhiên. Đối với loài lan phượng vĩ bắc là thân cây gỗ được bóc vỏ hoàn toàn, sẽ đáp ứng đầy đủ nhu cầu về nước, độ thoáng. Ngoài ra loài lan Phượng vĩ bắc là loài tương đối dễ sống cũng như có giới hạn sinh thái cao nên có thể trồng trên nhiều vật liệu khác nhau, như cột bê-tông, bờ tường, bể lọc nước, các non bộ...
Xử lý vật liệu:
Vật liệu thân cây gỗ được bóc vỏ hoàn toàn, ngâm nước 7 ngày, để cho gỗ thấm đầy đủ nước, tránh hiện tượng gỗ hút ẩm của cây lan khi ghép vào.
Cắt tỉa vệ sinh:
Khi lan mua về cần được cắt loại bỏ rễ, cắt rễ chỉ để còn 10-20cm, giữ lại cành nhiều rễ cấp 1 từ thân càng tốt, loại bỏ các rễ khô gẫy hỏng.
Thời điểm: cần cắt tỉa càng sớm càng tốt, tốt nhất là ngay sau khi mua về. Xử lý thuốc và treo ngược: Xử lý thuốc, lan cần được xử lý thuốc để loại bỏ mầm bệnh, kích thích sinh trưởng và chống sốc môi trường cho lan. Lan được xử lý với hỗn hợp thuốc là: B1 + N3M + Ridomil gold + Alitte + Regan. Pha theo chỉ dẫn trên nhãn thuốc, lan được ngâm ngập trong hỗn hợp thuốc trong 5 phút. Vớt ra treo ngược trong khoảng từ 3-5 ngày. Cách chọn môi trường thuần hóa: Đối với loài lan Phượng vĩ bắcthì môi trường tốt cho thuần hóa là môi trường thoáng gió, độ ẩm cao, khoảng 70-80%. Ánh sáng tương đối nhiều, 90-100% ánh sáng tự nhiên.
3. Cách thức trồng và ghép lan:
Đối với lan Phượng vĩ bắc chúng ta ghép lên gỗ bằng cách sử dụng dây thép bọc nhựa phía ngoài, buộc cố định chắc chắn vào thân giá thể, chú ý: không buộc thắt cổ, mà phải buộc vòng chữ X, để cây không bị chặn nguồn nước và dinh dưỡng lưu chuyển trong cây. Sau đó bỏ khô không tưới trong 3 ngày đầu tiên. Nhằm giúp vết thương, khi thao tác ghép được lành miệng.
4. Cách chăm sóc lan:
Tưới nước: 3 -7 ngày đầu sau ghép, không tưới nước. Đặt cây ở môi trường thoáng gió, nền phía dưới luôn phải duy trì ẩm để làm mát cho cây. Khi hết thời gian 3-7 ngày, ta thực hiện tưới, do đặc tính cây không ưa quá nhiều nước nên tưới 7 ngày/lần, quan trọng hơn cả đó là nền của khu vực thuần hóa luôn phải được tưới nước 2 lần/ ngày. Định kỳ vào ngày chủ nhật tưới thật đẫm cây, tưới đi tưới lại cây 3 lần, mỗi lần cách nhau 5 phút, tưới cho ướt toàn bộ cả cây và giá thể.
Bón phân:
Không bón phân khi cây chưa ra rễ mới. Chỉ thực hiện phun Vitamin B1 grow more, liều lượng 1-2ml/ 2.5 lít nước được phun định kỳ 3 ngày/lân. Đối với loài lan Phượng vỹ là loài tương đối dễ sống và dễ thuần nên có thể không phun B1 vẫn đảm bảo tỷ lệ sống cao. Sau khi cây đã ra được rễ mới, ta thực hiện bón phân 30-10-10 + TE grow more, liều lượng 1g/ 4 lít nước, phun ướt, cả 2 mặt lá, từ tháng 4-10. Trong tháng 10 thực hiện phun phân bón 6-30-30+TE grow more, nồng độ 1g/4lit. Từ tháng 10 trở đi, không bón và để cây chịu hoàn toàn điều kiện tự nhiên.
Phòng bệnh:
Do trong môi trường luôn có bệnh hại cây lan vì vậy cần phun phòng định kỳ. Phun hỗn hợp Antracol + lino oxto+ regan, định kỳ 15 ngày/ lần.
Điều kiện để cây ra hoa.
Chế độ ánh sáng: đưa cây lan phượng vĩ ra ngoài để cây chịu hoàn toàn ánh sáng tự nhiên.
Chế độ tưới nước: Cắt nước hoàn toàn trong mùa đông.
Chế độ phân bón: không bón phân trong mùa đông.
Môi trường yêu cầu: môi trường phải hanh, khô, nhiều gió, ánh sáng là 100% ánh sáng tự nhiên.
Xem thêm