Bí quyết phân biệt Kim điệp Giấy và Kim điệp Nhựa
Trong các loài lan, có 2 loài Kim điệp là Kim điệp Giấy và Kim điệp Nhựa. Với người mới trồng lan do chưa tìm hiểu đến hoặc chưa trồng qua 2 loài này thì thấy khó phân biệt khi cây không có hoa. Nhìn chung, 2 loài này khá giống nhau và dễ nhầm.
Tìm hiểu chung về 2 Kim điệp
Kim Điệp Giấy tên khoa học là Dendrobium Capillipes. Đây là loài hoàng thảo thân (giả hành) ngắn, khi các bạn đi mua hàng kilogram để ghép, thường gặp thân ngắn cỡ 10-20 cm. Còn những giò thuần chăm sóc tốt thân có thể dài đến khoảng 25-30 cm nhưng ít thấy hơn. Thân màu vàng xanh, có lá mỏng ở gần ngọn. Các bạn còn nghe đến Kim Điệp Xuân, thực ra nó là Kim Điệp Giấy nhưng có xuất xứ tại vùng cao nguyên có khí hậu đặc thù như Lâm Đồng nên ra hoa sớm hơn, thường vào dịp tết.
Kim Điệp Nhựa còn gọi Kim Điệp Thơm, tỷ lệ người gọi 2 tên này tương đương nhau nên đều phổ biến, tên khoa học Dendrobium Trigonopus. Thân ngắn, mập, thường 6-12 cm. Ít gặp hơn và giá bán cao hơn Kim Điệp Giấy.
Kim Điệp Giấy có chùm hoa màu vàng tươi rất đẹp, cánh hoa mỏng, cánh dáng tròn, môi hoa to có lông tơ, mùi chỉ thoảng nhẹ. Mùa hoa thường khoảng tháng 2-4 dương lịch.
Cách phân biệt Kim điệp Giấy và Kim điệp Nhựa
Hoa
Hoa Kim Điệp Nhựa khác với Kim Điệp Giấy, hoa của Kim Điệp Nhựa cánh nhọn, rất dày, bông hoa hơi bóng nên nhìn có cảm giác như hoa nhựa, màu vàng kim, phớt xanh lục ở họng. Hoa rất bền, khoảng 40-50 ngày, thơm đậm mùi mật, kẹo. Mùa hoa muộn hơn một chút, khoảng tháng 4 dương bắt đầu nở rộ.
Dendrobium Trigonopus
Dendrobium Capillipes
Khi cây không hoa, ta so sánh các điểm sau:
a) Lá: Đây là điểm dễ nhận biết 2 loài này nhất.
Lá Kim điệp giấy có màu xanh vàng, xanh non còn lá Kim Điệp Nhựa có màu xanh sẫm, xanh tối gần như Kiều Hồng.
Lá Kim điệp giấy mềm, mỏng còn lá Kim Điệp Nhựa dày, cứng hơn. Mỏng thế nào là mỏng? dày, cứng đến thế nào là dày, cứng? Với các đặc điểm về dài - ngắn, to - nhỏ, dày - mỏng, mềm - cứng thì càng nhiều kinh nghiệm thực tế nhận biết càng chuẩn xác.
Lá Dendrobium Trigonopus
Điểm quan trọng này, mặt dưới lá Kim Điệp Giấy trơn, không có lông đen còn mặt dưới lá Kim Điệp Nhựa có 1 lớp lông đen rất nhỏ, ngắn, mịn, có thể nhìn kỹ để thấy được bằng mắt thường. Tuy nhiên ai lớn tuổi mắt kém thì khó nhìn được điểm này.
b) Ngồng hoa
Một đặc điểm dễ thấy nữa để phân biệt 2 loài này là nhìn ngồng hoa cũ. Lan mua theo cân thì đa phần đã đủ tuổi, từng ra hoa rồi nên thường còn cuống hoa cũ trên thân già.
- Kim Điệp Giấy có hoa dạng chùm nên khi hoa tàn thường còn cuống hoa khô dài khoảng 8-15 cm trên thân già (khoảng 01 ngón tay).
- Kim Điệp Nhựa bật bông hoa từ thân, khi hoa tàn còn lại cuống hoa khô ngắn ngủn 2-3 cm thôi (khoảng 01 đốt ngón tay).
Vậy nên nếu thấy Kim Điệp nào chỉ cần có 1 ngồng hoa dài cỡ 1 ngón tay thì đó là Kim Điệp Giấy rồi.
c) Thân/giả hành
Thân trưởng thành Kim Điệp Giấy dài hơn, thường dài 10-20 cm hoặc hơn nữa, xanh sáng hơn, thân tơ nhìn căng mọng hơn, có nhiều lớp áo trắng bạc bao thân.
Thân trưởng thành Kim Điệp Nhựa ngắn hơn, thường 8-12 cm, màu xanh sẫm hơn, ít áo trắng bạc bao thân hơn, thân già còn có màu vàng hoặc nâu đỏ, nhìn dáng thân cứng hơn hẳn so với Kim Điệp Giấy.
Kim điệp giấy
Dendrobium Trigonopus
Một điểm dễ thấy nữa là thân con mới nhú của Kim Điệp Nhựa phủ chi chít lông tơ đen, còn thân con của Kim Điệp Giấy thì xanh non màu mạ, trơn, không hề có lông đen. Các bạn mua cây không vào mùa có thân con thì không thấy điểm này.
Xem thêm