2 kỹ thuật nhân giống lan Hồ Điệp hiệu quả
Trong điều kiện vườn ươm, lan hồ điệp là một trong những loài rất khó để nhân giống. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn bạn một số cách để nhân giống lan Hồ điệp hiệu quả nhất.
1. Nhân giống lan hồ điệp bằng cách tạo chồi sinh dưỡng từ phát hoa
*Chuẩn bị
Khi phát hoa đã nở hết hoa trên cành, ta chọn những phát to khỏe nhất, sau đó dùng dao lam hoặc kéo đã khử trùng để cắt những đốt chứa mắt ngủ dài 4cm, tách bỏ phần vỏ đang bao quanh mắt ngủ. Không nên chọn những mắt ngủ đã bị hóa đen hoặc là trầy xước.
*Tiến hành khử trùng
- Dùng cồn 70 độ để lau nhẹ mắt ngủ
- Lấy mắt ngủ ngâm với xà phòng loãng trong khoảng 3 phút, sau đó rửa lại bằng nước cho tới khi sạch hết xà phòng.
- Ngâm mắt ngủ trong tủ cấy với cồn 70 độ trong vòng 1 phút, tiếp đến, lấy ra và khử trùng với dung dịch javel có nồng độ 1:5 trong 25 phút.
- Rửa lại mắt ngủ với nước cất vô trùng.
- Tiến hành loại bỏ các hoại tử và cấy mẫu lên môi trường có bổ sung BA 3mg/l.
*Điều kiện nuôi cấy
Mắt ngủ dùng để nuôi cấy phải được để trong điều kiện nhiện độ 25 độ C, độ ẩm 80 % và 12 giờ chiếu sáng.
Thực hiện đúng, sau khoảng 10 tuần nuôi cấy thì bạn sẽ thấy các chồi sinh dưỡng mọc ra từ mắt ngủ, có các lá bon để làm nguyên liệu khởi tạo PLB từ mô lá.
*Khởi tạo việc cấy mô từ mô lá
- Lấy các mẫu lá non thu được từ các chồi sinh dưỡng, cắt theo kích thước 5x5mm và đặt nuôi trong môi trường MS 1/2 bổ sung các chất điều hòa sinh trưởng thực vật NAA 1mg/l, BA 10mg/l, Adenin 10mg/l.
- Sau 10 tuần nuôi cấy, các mô sẽ xuất hiện tại phần gốc và các mảnh lá phần đỉnh. Mặc dù còn khá giống nhau về hình thái giải phẫu, song lá và thân lại có sự khác nhau về cách sinh trường cũng như sắp xếp các mô. Sau đó một thời gian, chồi sẽ xuất hiện xung quanh mép lá, phần mô lá ban đầu bị hoại tử.
*Sự ra rễ
Để chồi tái sinh nhanh ra rễ thì cần bổ sung thêm nước dừa, chuối hoặc là khoai tây mà không cần sử dụng thêm bất kỳ chất điều hòa tăng trưởng nào hết. Sau 3-4 tháng nuôi cấy có thể đem cây con ra trồng ngoài vườn ươm.
2. Nhân giống lan hồ điệp bằng phương pháp cơ học
Đây được cho là kỹ thuật nhân giống lan hồ điệp dễ dàng nhất, vừa đảm bảo cho cây con mới khỏe mạnh nhưng vẫn đảm bảo sức khỏe bình thường cho cây mẹ để ra hoa vào mùa tiếp theo. Theo đó, khi cây mẹ đã đạt kích thước như mong muốn, tiến hành lấy dao hoặc kéo đã được khử trùng cắt ngọn và một ít dễ để trồng vào chậu mới. Tại vết cắt, bôi thuốc Vadolin có trộn Zineb, sơn, hoặc vôi để khử trùng cho cây. Trên phần gốc còn lại sẽ tiếp tục mọc thêm một số chồi.
Một cách khác nữa là dùng dây đồng buộc vào thân cây, siết thật chặt. Việc này sẽ làm cho thể mạch dẫn nhựa bị ức chế, từ đó kích thích cây mọc chồi mới. Khi thấy chồi đã nhú ra khỏi thân thì gỡ dây đồng ra, cây con sau đó sẽ lớn dần. Đợi cho tới lúc cây con phát triển khỏe mạnh, ra nhiều rễ thì tách khỏi cây mẹ. Lưu ý là không được cắt ngọn cây mẹ để dồn chất dinh dưỡng cho cây con.
Trên đây là 2 kỹ thuật nhân giống lan Hồ Điệp mà chúng tôi muốn giới thiệu đến quý bạn đọc, hy vọng đây sẽ là nguồn tài liệu bổ ích cho những ai đang tìm hiểu về loài lan này. Chúc các bạn nhân giống lan thành công và hãy thường xuyên ghé thăm trang web của chúng tôi để cập nhật những thông tin bổ ích về phong lan nhé!
Bài viết liên quan